Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bầu_cử_Quốc_hội_Việt_Nam_khóa_XIV

Đài Á Châu Tự do (RFA) nhấn mạnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ thể duy nhất có quyền lập danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Ứng cử viên phải qua 3 lần hiệp thương trước khi được xếp vào danh sách ứng cử viên chính thức. Mặt trận Tổ quốc sẽ giới thiệu ứng cử viên về các nơi ở, nơi công tác, cương lĩnh tranh cử trong các buổi tiếp xúc cử tri[29] để họ được cử tri góp ý trước khi được mặt trận tổ quốc hiệp thương.[30] Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có chức năng giám sát cuộc bầu cử[14] Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đó là một khâu rất quan trọng nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bảo đảm dân chủ, chất lượng, thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.[31] Tiến hành 3 vòng hiệp thương nhằm xác định cơ cấu, số lượng các ĐBQH cần bầu, sau đó xác định cơ cấu, số lượng, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH đáp ứng tiêu chuẩn; Tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước với tinh thần ứng cử viên phải gặp được đại diện cử tri của tất cả các phường, xã trên địa bàn ứng cử của mình.[32]

Đánh giá công tác hiệp thương, ông Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết:

"Công tác hiệp thương diễn ra suôn sẻ, không có trục trặc đáng kể...hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất đóng vai trò như khung cho các cuộc hiệp thương tiếp theo[33]...Quy trình hiệp thương đã được bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu thành phần người được giới thiệu và tiến hành hội nghị hiệp thương thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ thời gian quy định cho từng công việc[34]"

.

Trao đổi với Hãng tin BBC ngày 20 tháng 3 năm 2016, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng, "Người ta dùng hiệp thương để thay cho tranh cử. Đấy là cái hạn chế." Ông nói thêm, cơ chế hiệp thương là "chiến lược 'nhất thể hóa' hệ thống quyền lực và lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính quyền nhà nước đang dẫn đến 'hạn chế tranh cử ngay trong nội bộ' Đảng và chính quyền"..[35]

Theo Hãng tin BBC, cách thức 'hiệp thương' này của Mặt Trận Tổ Quốc, cách thức 'Đảng cơ cấu, dân bầu', được nhiều người cho là đem lại lợi thế độc tôn cho Đảng Cộng sản Việt Nam.[36]

Hiệp thương lần 1

Hiệp thương (đàm phán, thương lượng với nhau) lần 1 [37] diễn ra sau khi UBTVQH đã trình dự thảo tới Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) về cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH được bầu, tỷ lệ người tự ứng cử. Dựa trên dự kiến đó, MTTQ cấp trung ương, và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tương ứng, để thoả thuận (tức là “hiệp thương”) về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay địa phương giới thiệu, tiến cử[33][38][39]. Thử thách lớn nhất với ứng viên tự do là ở lần hiệp thương sau đó.

Cấp Trung ương

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị này. Hội nghị hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[14].

Cấp địa phương

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và đại diện Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện trực thuộc. Đại diện Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự hội nghị này. Hội nghị hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[14].

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số ĐBQH khóa XIV dự kiến phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh là 30, trong đó có 16 ĐB ở TP, 14 ĐB do T.Ư giới thiệu. Trên cơ sở đó, hội nghị đã thống nhất dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu để bầu ĐBQH khóa XIV như sau: số ứng viên Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu là 46 người (bầu ra 16 ĐBQH), trong đó ứng viên cơ quan tư pháp là 3 người, ĐB tự ứng cử là 2 người.[40]

Còn ở Hà Nội, ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho biết, tổng số ĐBQH khóa XIV dự kiến phân bổ cho thành phố này là 30, trong đó có 16 ĐB ở TP, 14 đại biểu trung ương.[41]

Hiệp thương lần 2

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử. Thành phần hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện ban lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đại diện Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được mời tham dự hội nghị này. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác (nếu có). Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo quy định về Hội nghị Cử tri. Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ hai, chậm nhất là 55 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.[14]

Chiều 17.3, hội nghị hiệp thương lần hai đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 90 người ở Thành phố Hồ Chí Minh ứng cử ĐBQH khóa XIV, trong đó có 48 người tự ứng cử (chiếm 53,3%), 44 người ngoài Đảng (48,8%), 30 nữ (33,3%).[40] Trong 48 người tự ứng cử ĐBQH có một số gương mặt đáng chú ý như TS Nguyễn Bách Phúc - Viện trưởng Viện Điện - điện tử - tin học TP.HCM, ông Võ Văn Thôn - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Viettravel, ông Đỗ Văn Thắng - Tổng giám đốc tập đoàn Mai Linh… Ngoài ra, trong danh sách này có hai người đang là ĐBQH khóa XIII là ông Hoàng Hữu Phước (Công ty Doanh thương Mỹ Á) và ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn).[42]

Cùng ngày, hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Ủy ban MTTQ VN thành phố Hà Nội tổ chức đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó 48 người tự ứng cử.[41]

Trong giới nghệ sĩ tự ứng cử ở Hà Nội gồm có NSƯT Minh Ánh (Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội), danh hài Nguyễn Công Vượng, còn ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có Diễn viên Lê Đình Hùng, Diễn viên - ca sĩ tự do Lâm Ngân Mai, ca sĩ Mai Khôi, người cho là chính trị không nên chỉ là lãnh vực riêng của Đảng cầm quyền.[43] Danh hài Nguyễn Công Vượng cho biết anh tham gia ứng cử Quốc hội vì có kinh nghiệm và quan tâm đến lãnh vực văn hóa và giáo dục.[44]

Về vấn đề nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ ra ứng cử, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng "đây là vấn đề đáng mừng...những sự có mặt của những người thuộc nhiều lĩnh vực là đúng đắn.". Ông cho biết,...hai nhiệm kỳ gần đây không có, rất là hụt hẫng." [45]

Hội nghị cử tri

Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đại biểu Quốc hội cư trú thường xuyên do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị này. Hội nghị cử tri ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội do ban lãnh đạo tổ chức triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì; hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân là hội nghị quân nhân do lãnh, đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì. Người ứng cử đại biểu Quốc hội được mời tham dự hội nghị này. Tại hội nghị cử tri, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị.<ref=moj/>

Hầu hết 197 ứng cử viên đều được cử tri, mà MTTQ mời, tín nhiệm cao 100%, chỉ có năm người được cử tri ở cơ quan và 3 người được cử tri nơi cư trú tín nhiệm dưới 100% nhưng đều đạt từ 97% trở lên.[46]

Trong số 48 người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Thành phố Hồ Chí Minh thì 8 người đã rút khỏi danh sách. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của 40 người thì chỉ 9 người đạt phiếu trên 50%.[47]

Tổ dân phố, thôn, ấp giới thiệu người tự ứng cử

Số lượng cử tri tham dự hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự. Tham dự Hội nghị tổ dân phố, thôn, ấp gồm đại diện các hộ gia đình, Toàn thể thành viên Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố; Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; đối vối phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì mời đại diện Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường. Người được giới thiệu ứng cử là người được trên 50% cử tri có mặt tín nhiệm[48]

Theo ý kiến nhà báo Huy Đức chia sẻ với Hãng tin BBC: "Để tổ dân phố bỏ phiếu quyết định một người có thể trở thành ứng cử viên đại biểu quốc hội hay không lại càng phản khoa học và phi dân chủ. Tử tế với nơi mình sống là cần thiết, nhưng đánh giá họ là phải dựa trên khả năng tham gia của họ trong các chính sách ở tầm quốc gia chứ không chỉ chuyện cản con mèo ăn vụng cá nhà hàng xóm." [49]

Hiệp thương lần 3

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba căn cứ vào tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội.[14] Chỉ có đại diện MTTQ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, UBTVQH, Chính phủ (đối với việc bầu cử ĐBQH ở cấp trung ương); MTTQ và Ủy ban bầu cử tỉnh, thường trực hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với việc bầu cử ĐBQH ở cấp địa phương), là được tham dự và “hiệp thương” với nhau để lựa chọn và chốt danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Luật sư Lê Luân tuyên bố trên facebook rằng không có sự có mặt và giám sát của bất kỳ một cơ quan độc lập nào.[50]. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí được phép tới đưa tin về các buổi hiệp thương, như Báo Tuổi trẻ tới Hội nghị của TP. Hồ Chí Minh[51], Thông tấn xã Việt Nam tới Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Kiên Giang[52]

Sau hội nghị hiệp thương lần ba, 46/48 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại thành phố Hà Nội bị loại, trong đó có nhà báo Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chương trình An Viên; Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ xã hội - Từ thiện “trò nghèo vùng cao”. Trước đó tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác, ông Tuấn đều đạt tín nhiệm 100%. Một ứng viên tự ứng cử bị loại khác là kỹ sư Nguyễn Đình Nam cũng nói với báo Lao động là ông “hơi bất ngờ” khi nhận được tin MTTQ loại mình dù “đạt 99% tín nhiệm ở nơi cư trú”.[53] Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nói thêm: "Các đại biểu sẽ đối chiếu theo những tiêu chuẩn đó để đánh giá, quyết định. Ở đây không phải là 1-2 cá nhân quyết định mà do đa số biểu quyết", ông Tuấn nói và giải thích thêm dự Hội nghị hiệp thương gồm 83 đại biểu. Cũng theo ông Tuấn, những người được chọn là những người tiêu biểu nhất trong những người tiêu biểu và họ có khả năng đóng góp cho xã hội nhiều hơn những người bị loại.[54]

Trong số bị loại 14 người tự rút lui. 2 người được chọn vào danh sách chính thức ứng cử là ông Nguyễn Hữu Ninh (Chủ tịch hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội) và ông Nguyễn Anh Trí (Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương).[55], Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin ở Hà Nội[56]...

Giải thích lý do một số người ứng cử bị loại khi biểu quyết, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội cho rằng những người được đưa ra biểu quyết đều đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng còn phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.[57] Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì cho là "Cơ cấu phải ngày càng bớt đi những quan chức ở cơ quan hành pháp." vì "những người đấy có cơ hội, điều kiện để đóng góp cho việc chung... ở những tổ chức khác, trên cương vị khác." [58]

Tại Đà Nẵng trong số 6 người tự ứng cử, thì 5 người nộp đơn tự rút lui.[59]

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 48 người tự ứng cử, 8 người đã làm đơn xin rút, 2 người được vào danh sách ứng cử chính thức là là ông Lâm Thiếu Quân (hiện là đại biểu HĐND thành phố khóa XVIII) và bà Nguyễn Thị Hồng Chương (cử nhân sư phạm ngành ngữ văn, giáo viên, bí thư chi bộ trường THPT Tân Túc, Bình Chánh). Hai Đại biểu Quốc hội khóa XIII, tự ứng cử vào khóa XIV là Hoàng Hữu PhướcĐặng Thành Tâm, cũng không lọt được vào vòng chính thức.[60]

Sau khi Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Mặt trận Tổ quốc hoàn thành, tổng cộng cả nước có 1121 người được chọn để ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tổng cộng danh sách chính thức ra tranh cử Đại biểu Quốc hội vào ngày 22/5 gồm 870 ứng viên trong đó chỉ có 11 người trong số hơn 150 ứng viên tự ứng cử, không có người nào thuộc thành phần bất đồng chính kiến.[7]

Ý kiến

"không nên quy định cứng nhắc về cơ cấu thành phần. Ví dụ, cơ cấu ít nhất 35% đại biểu là phụ nữ, 10% đại biểu là người ngoài Đảng, 10% người dưới 40 tuổi,..., thì đó là chỉ tiêu phấn đấu, còn đạt bao nhiêu là tùy thuộc vào nỗ lực của ứng cử viên và sự lựa chọn của cử tri.

Cơ cấu quá cứng nhắc, hình thức có thể làm cho cử tri giảm dần ý thức trách nhiệm trong bầu cử. Thế mới có chuyện một người đi bầu thay cho cả gia đình. Thậm chí ra tới nơi bầu cử rồi mới đọc qua sơ yếu lý lịch của ứng cử viên để bầu. Có cử tri còn hỏi người trong tổ bầu cử là nên để ai, gạch tên ai. Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, cần phải cải tiến mạnh mẽ công tác bầu cử." [61]

  • Ông Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh nhận định:
"Tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử. Tổ chức hoạt động giám sát cuộc bầu cử, đặc biệt tập trung giám sát việc lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri, bảo đảm không để sót người có quyền bầu cử và không ghi nhầm người không có quyền bầu cử vào danh sách cử tri, thực hiện niêm yết danh sách cử tri theo luật định; giám sát hoạt động của tổ chức phụ trách bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định; giám sát trình tự, thủ tục và thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử. Nắm tình hình nhân dân, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch phân công người phụ trách từng khu vực dân cư và đối tượng cử tri cá biệt để tổ chức vận động cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử."[62]

.

  • Nhận xét về công tác hiệp thương cấp cơ sở, báo Lai Châu nhận định:
Hội nghị Hiệp thương thỏa thuận, thống nhất lập danh sách sơ bộ gửi về lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm tại nơi cư trú thường xuyên trên địa bàn các huyện, thành phố đã được các khu dân cư thực hiện một cách công khai dân chủ, công bằng, đúng luật, đúng quy định. Những người được giới thiệu ứng cử đều có phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh giản dị, trung thực, có ý thức thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, quan liêu, không hách dịch cửa quyền, có trình độ năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm với chức trách nhiệm vụ được giao.[63]
  • Nói chuyện với đài BBC vào ngày 19 tháng 2 năm 2016 về vấn đề bầu cử quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho là việc "Đảng cử dân bầu" là vấn đề cần phải thay đổi, để phát huy dân chủ một cách rộng lớn hơn, lấy lại lòng tin của người dân, mà vẫn thờ ơ đưa tới những hiện tượng như bỏ phiếu hộ...[64]
  • Nói chuyện với thông tấn xã Reuters, nhà phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp cho là, các nhà hoạt động chính trị độc lập khó mà được phép tranh cử Quốc hội: “Đảng muốn có những tiếng nói phản biện trong Quốc hội, nhưng không phải những người mà họ không thể kiểm soát được hoặc những người có thể gây những bối rối về chính trị.” [65]
  • Nhà báo Huy Đức khi trao đổi với hãng tin BBC nói: "Để tổ dân phố bỏ phiếu quyết định một người có thể trở thành ứng cử viên đại biểu quốc hội hay không lại càng phản khoa học và phi dân chủ. Tử tế với nơi mình sống là cần thiết, nhưng đánh giá họ là phải dựa trên khả năng tham gia của họ trong các chính sách ở tầm quốc gia chứ không chỉ chuyện cản con mèo ăn vụng cá nhà hàng xóm." [49]

Chỉ trích

Khi trao đổi với Đài châu Á Tự do (RFA), TS Nguyễn Quang A cho là việc hiệp thương là quá trình MTTQ dùng để đẩy ứng viên độc lập ra khỏi cuộc bầu cử: "Trong khâu ứng cử gọi là hiệp thương mà thực sự là cái bẫy để người ta loại người tự ứng cử ra. Người ta tổ chức cái hội nghị cử tri, khoảng 50 tới 100 người, họp và kéo người của người ta tới không biết họ có phải là cử tri ở cái khu ấy hay không, nhưng họ đến đấy về cơ bản là để đấu tố những người tự ra ứng cử để rồi người ta cho là không được tín nhiệm ở trong hội nghị thì coi như loại luôn." [30]

Chỉ trích của một số người bất đồng chính kiến

  • Lê Quốc Quyết em trai của Luật sư Lê Quốc Quân kể lại với Đài châu Á Tự do (RFA): "Cái chuyện của anh Quân cũng hay lắm! Anh Quân thuộc tổ 6 nhưng họ lại đưa sang tổ 12 để lấy ý kiến của tổ dân phố. Trong tổ 12 đấy họ đưa lên họp ở lầu hai và họ chặn cầu thang lầu một! nếu ai quen biết và ủng hộ anh Quân thì đều không được lên lầu hai còn những người đã quán triệt không ủng hộ việc này thì họ cho lên!" [30]
  • Luật sư Lê Công Định kể lại trường hợp của mình khi trao đổi với Đài châu Á Tự do (RFA): "Trong cả hai lần hiệp thương nơi cư trú và nơi làm việc họ đều công kích tôi về tinh thần ủng hộ dân chủ, đa nguyên đa Đảng. Họ nói tôi viết nhiều bài tuyên truyền chống nhà nước xã hội Chủ nghĩa mà cuộc bầu cử quốc hội là cuộc chọn những người đại biểu nhân dân. Họ cho những người tôi không biết mặt ở nơi tôi cư trú đến. Họ cử những người an ninh đến để nêu các vấn đề chính trị và tư tưởng để công kích tôi. Tuy rằng mình không đồng ý điều đó nhưng trong biên bản họ ghi luôn những ý kiến công kích mình!" [30]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bầu_cử_Quốc_hội_Việt_Nam_khóa_XIV http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/04/160414... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/02/1... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/04/1... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/1603... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/1603... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/1603...